Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Đăng lúc: 00:00:00 11/01/2023 (GMT+7)
Mạng Internet nói chung (trong đó có mạng xã hội) là một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện nay, ngày càng phổ biến, đa dạng và mang những nguy cơ tiềm ẩn khó lường - nhất là đối với trẻ em.
Môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em
Với sự bùng nổ của Internet, việc trẻ em sớm được tiếp cận với thế giới mạng dần trở nên phổ biến. Việc trẻ em ham thích khám phá, trải nghiệm trên môi trường mạng là điều rất bình thường. Môi trường mạng internetchứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức, nhiều tiện ích hay, đáp ứng nhu cầu của con người, mang đến rất nhiều điều bổ ích cho trẻ em, song cũng là “cái bẫy” gây ra hậu quả khôn lường mà nếu thiếu đi sự giám sát của người lớn thì rất dễ khiến trẻ em bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, học tập. Thực tế, đã có không ít trẻ em ở lứa tuổi 10 đến 18 đã bị dụ dỗ chụp ảnh nhạy cảm, dọa tung lên mạng; hay bị xâm hại tình dục khi đến phỏng vấn từ kết quả tìm việc làm trên mạng...Điều đáng nói là nhiều gia đình chưa biết kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Do đó, dễ dẫn đến việc các em có nguy cơ bị xâm hại từ môi trường này.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tình trạng này đã và đang xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Mới đây, đại diện tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng lên tiếng cảnh báo về việc hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Thời gian qua, để đối phó dịch bệnh, nhiều biện pháp cấp bách đã được thực hiện như giãn cách xã hội, hạn chế tập trung nơi đông người… Với nhóm đối tượng là trẻ em, để thích nghi với hoàn cảnh mới, việc dạy và học trực tuyến (online) được thực hiện tại nhiều địa phương. Ðồng thời do không có điều kiện ra ngoài, giao lưu, nhiều học sinh đã dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình này để thâm nhập, quấy phá các phòng học trực tuyến, ăn cắp địa chỉ, thông tin liên lạc của người sử dụng nhằm thực hiện các mục đích đen tối khác như: gửi các đường link có nội dung xấu độc, dụ dỗ, mời gọi trẻ tham gia các trò chơi trực tuyến… Với bản tính tò mò, không ít trẻ em đã vào các đường link do những đối tượng này gửi đến và tham gia các trò chơi trên mạng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ mà còn khiến một số em bị kẻ xấu lợi dụng, uy hiếp, thậm chí bị quấy rối và xâm hại tình dục qua mạng. Hiện tượng trẻ em trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng đã từng được cảnh báo, tuy nhiên thời gian gần đây, loại tội phạm này có biểu hiệu gia tăng bất thường, trong khi các biện pháp xử lý, ngăn chặn còn thiếu hiệu quả gây lo ngại không chỉ cho các bậc phụ huynh mà còn khiến xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Nguyên nhân và giải pháp
Nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức, hiểu biết của cộng đồng nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về vấn đề này còn nhiều hạn chế, dẫn tới chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối nguy từ môi trường mạng.Công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa toàn diện, chưa chặt chẽ. Trẻ em chưa trang bị đầy đủ nhận thức về nguy cơ tiềm tàng của internet, về kỹ năng sống cũng như kiến thức về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn; còn phụ huynh thì gặp khó khăn trong vấn đề giám sát những hoạt động của con em mình trên internet.
Hiện nay, thực trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng rất đáng báo động, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.Ðể kịp thời đối phó với tình trạng nêu trên, ngày 5/3/2020 tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT và Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng với các nội dung đáng chú ý như: Triển khai việc nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng; nâng cao hiểu biết cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng... Ðây là việc làm cần thiết, kịp thời của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ em sẽ chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, nhà trường và xã hội. Những biện pháp cần làm ngay đó là:
Thứ nhất, các em cần được trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn giúp các em tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó là trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh để hiểu, quan tâm giáo dục, dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành một công dân có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội; cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của con em mình. Quan trọng hơn cả, mỗi gia đình phải là pháo đài vững chắc để bảo vệ con em khỏi những tác động tiêu cực từ mạng internet, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có những biện pháp xử lý phù hợp.
Thứ hai,việc liên hệ giữa gia đình và nhà trường cần thường xuyên liên tục. Sử dụng Internet là nhu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa. Vì thế, các phụ huynh, thầy cô giáo cần đồng hành với học sinh và con em mình trong việc sử dụng Internet. Từ đó, giúp bảo vệ được các em trên môi trường mạng và giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng nó một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống.
Thứ ba, cộng đồng xã hội cần phát huy trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng internet, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm.
Thứ tư, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm các vụ việc; bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; có các giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại. Với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội sẽ hình thành mạng lưới vững chắc, an toàn giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách hiệu quả.
Quy định pháp luật về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trẻ em cần được bảo vệ trên môi trường mạng, cụ thể:
1. Bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (Điều 33)
Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
2. Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 34)
- Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan.
- Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
- Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
3. Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng (Điều 35)
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
- Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.
- Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.
- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
4. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng (Điều 36)
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
- Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
5. Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (Điều 37)
- Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
- Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trẻ em hiện đã trở thành công dân số trong giai đoạn công nghệ số. Các em sống trên môi trường mạng nhiều giờ mỗi ngày, vì vậy cần có môi trường lành mạnh. Thực tế, Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã có; tuy nhiên, đòi hỏi gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phải hành động, phối hợp chặt chẽ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thì trẻ em mới được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng./.
Cao Quân
Tin khác
- Giao hàng số
- Quản lý hàng hoá khi bán hàng đa kênh
- Nông trại thông minh
- Truy xuất nguồn gốc nông sản
- BÀI TUYÊN TRUYỀN NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA 10/10/2024
- Phát động “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa” năm 2024
- Tiếp thị, quảng cáo số
- Nhà văn hóa số
- Học tập trực tuyến
- An toàn trên mạng
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
0987714247
0987714247