Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Phượng Nghi - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Già làng số

Đăng lúc: 00:00:00 23/04/2024 (GMT+7)
100%
Print

Đối với nhiều người, công nghệ số vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm. Tâm lý chung của con người là ngại thay đổi thói quen, ngại tìm hiểu và thử cái mới. Khi chưa hiểu rõ, còn dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Vì vậy, làng số cần người đóng vai trò của “già làng số”, là người đi đầu, tiên phong sử dụng công nghệ, và sau đó là hướng dẫn người khác sử dụng công nghệ số một cách an toàn, hiệu quả.

screenshot_1715069076.png
Ai cũng có thể trở thành “già làng số”, không phân biệt tuổi tác, miễn sao dám thử cái mới, dám chấp nhận cái mới, dám thay đổi thói quen cũ, có tinh thần ham học hỏi, tìm tòi phương thức mới để giải quyết vấn đề của mình. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ, là “già làng số” cần tự mình trực tiếp làm ra một số việc có kết quả cho chính mình, gia đình mình, mang tính tiên phong, làm mẫu, để mọi người có thể tham khảo, áp dụng tương tự.
 
 
 
Đảng viên Sỉnh Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn
Ông Sỉnh Dỉ Gai không chỉ là trưởng thôn, mà còn được biết đến là người luôn gần gũi với mọi người, nhiệt tình và gương mẫu trong mọi hoạt động của thôn.
Ông Gai là người đầu tiên ở thôn Lô Lô Chải làm du lịch, và cũng là người đầu tiên kéo Internet về thôn để phục vụ việc làm du lịch. Từ thành công của ông Gai, ngày càng có nhiều bà con trong thôn học và làm theo.
Hiện thôn Lô Lô Chải đã có 11 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú. Các hộ đã được hỗ trợ cài đặt thiết bị và vận hành có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ truyền thông, quảng bá, cũng như tư vấn, kết nối với các đơn vị lữ hành, khách du lịch. Thông qua đó, nhiều du khách đã biết tới thôn và đặt phòng trực tiếp với các hộ gia đình.
Các công cụ, phần mềm ông Gai và bà con trong thôn sử dụng hiện nay hầu hết là các phần mềm miễn phí, đáp ứng nhu cầu kinh doanh cơ bản của các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ trong thôn: chụp và gửi ảnh phòng qua ứng dụng Zalo hay đưa thông tin lên các trang web đặt phòng trực tuyến. Các lễ hội của dân tộc Lô Lô cũng được chụp ảnh, quay video và đưa lên Zalo để quảng bá, rất hiệu quả. Gọi điện video bằng ứng dụng Zalo, khách có thể xem trực tiếp các hình ảnh của phòng trước khi quyết định đặt phòng.
Thay vì ngồi đợi và mong có khách đến như trước đây, thì nay việc làm du lịch của ông Gai và bà con chủ động hơn nhiều. Và chính vì sự thuận tiện, khách du lịch đến với thôn ngày một nhiều, mang lại thêm thu nhập cho bà con.
 
 
 
Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, ông Đoàn Trung Nam (Chủ tịch xã) và ông Hoàng Văn Cảnh (Phó Chủ tịch xã) là hai “già làng số”, trực tiếp thúc đẩy quá trình phát triển, đưa công nghệ số thẩm thấu vào từng lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong xã.
Mặc dù không am hiểu sâu sắc về công nghệ, hai ông đã thiết lập được tầm nhìn về một xã Yên Hòa số, và kiên định tổ chức triển khai với quyết tâm cao. Và vì vậy, Yên Hòa đã trở thành một trong những mô hình xã số điển hình trên cả nước. Trong 16 tháng triển khai chuyển đổi số quyết liệt, Yên Hòa đã đưa toàn bộ các hoạt động chỉ đạo, điều hành văn bản của xã lên môi trường số; triển khai kênh truyền thông Zalo tới 100% hộ gia đình. Và đặc biệt hơn, các thành viên của Hợp tác xã Yên Hoà sau khi ứng dụng công nghệ vào bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, thu nhập đã tăng hơn 4 lần, từ 1 triệu/tháng lên 4 đến 5 triệu một tháng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Gia đình là tế bào của xã hội. Để làng trở thành một ngôi làng số, mỗi gia đình cần trở thành một gia đình số. Bắt đầu từ những việc nhỏ như hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán tiền học cho con, trả tiền điện nước hàng tháng hay thanh toán viện phí. Con cháu trong nhà học tập trực tuyến. Bố mẹ sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông bà sử dụng công nghệ cho liên lạc, cập nhật thông tin. Ở mức độ cao hơn, công nghệ gắn kết các gia đình trong làng, trở thành một cộng đồng dân cư kiểu mới gắn kết hơn, văn minh hơn và giàu có hơn.
Trong mỗi một gia đình, cũng cần có một người làm hạt nhân, đóng vai trò như một “già làng” trong nhà, hướng dẫn các thành viên khác làm quen, sử dụng công nghệ cơ bản. Với những việc phức tạp hơn, ví dụ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người trẻ có thể trực tiếp thao tác, thực hiện giúp các thành viên trong gia đình như truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con”.
“Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”, công nghệ số cứ như vậy dần thẩm thấu, len lỏi vào từng gia đình, từng dòng họ, phát triển nền móng vững chắc của làng số.
 
 
 
Dòng họ số tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Không chỉ hướng tới hình thành các gia đình số, ở Xã Suối Giàng, các dòng họ của hai thôn Pang Cáng và Giàng B hướng tới hình thành mô hình dòng họ số. Trong đó, một dòng họ số cần đáp ứng các tiêu chí như: Thực hiện số hóa gia phả, tư liệu lịch sử và truyền thống của dòng họ; tạo nhóm liên lạc, trao đổi các việc của dòng họ trên ứng dụng mạng xã hội như Zalo; tỉ lệ hộ gia đình có thiết bị thông minh đạt 100%; tỉ lệ hộ gia đình thanh toán trực tuyến tiền điện, nước, viễn thông, nộp học phí… đạt 100%. Các dòng họ cùng triển khai đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Một “già làng số”, không như tên gọi, cũng có thể là một thanh niên trẻ, không có chức sắc gì trong làng. Miễn là thanh niên trẻ là người đã sử dụng công nghệ, đã có kết quả cụ thể thuyết phục, có khả năng hướng dẫn người khác sử dụng công nghệ và là địa chỉ tin cậy mọi người tìm đến mỗi khi có vấn đề công nghệ phát sinh.
Ở mỗi làng, Tổ công nghệ số cộng đồng sinh ra để làm cầu nối, mang công nghệ số đến gần hơn với người dân trong làng. Lực lượng này được sinh ra từ làng, là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, hiểu được nhu cầu hàng ngày của dân làng, để đẩy nhanh quá trình phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến người dân.
Hoạt động của lực lượng này, lấy “già làng số” là chủ công. Với tinh thần hăng say, nhiệt huyết, mỗi thành viên đảm nhận sứ mệnh “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” theo cách: một người biết công nghệ có thể hỗ trợ 10 người biết, 10 người biết sẽ hỗ trợ được 100 người biết. Cứ thế, người biết hỗ trợ người không biết, người trẻ hướng dẫn người già, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, không khoảng cách về ngôn ngữ. Vậy thì chẳng mấy chốc mà mọi người đều biết cách sử dụng dịch vụ và các tiện ích số.
 
 
 
Ông Đinh Văn Hin, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng
Là một người con của dân tộc Cơ Tu – dân tộc thiểu số chiếm khoảng 0,08 % dân số cả nước. Anh Đinh Văn Hin là Trưởng ban nhân dân kiêm Tổ trưởng Tổ hỗ trợ điểm dịch vụ công trực tuyến của thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Công việc anh làm gặp không ít khó khăn, thách thức đặt ra, như người dân không có thời gian do công việc cá nhân bận rộn, nhiều bà con chưa hiểu biết về công nghệ, nhiều lần đến nhà nhưng không gặp ai. Trước những vấn đề đặt ra như vậy, anh Hin và các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng đã kiên trì, vận động bà con đến Nhà văn hóa thôn để tập trung hướng dẫn. Xây dựng nhóm trên mạng xã hội, thường xuyên đăng tải các thông báo, thông tin để bà con nắm được. Với những hộ gia đình đến hỗ trợ nhưng họ không có nhà thì Tổ công nghệ số cộng đồng phân công các thành viên trong Tổ tiếp tục đến nhiều lần để thuyết phục, hỗ trợ, hướng dẫn. Thực hiện công việc với tất cả nhiệt huyết, anh Hin thấy được nghĩa đồng bào lớn lao khi được hỗ trợ bà con dân tộc mình. Những người cùng dân tộc, là đồng bào của nhau, có cùng ngôn ngữ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, văn minh hơn mỗi ngày. Điều đó thật sự rất hạnh phúc. 

Cao Quân

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
0987714247