Tăng cường công tác sản xuất vụ Đông năm 2024-2025
Đăng lúc: 00:00:00 19/09/2024 (GMT+7)
Ngày 09/9/2024, UBND xã ban hành Phương án số 150/PA-UBND về việc tăng cường công tác sản xuất vụ Đông năm 2024-2025. Theo dự báo vụ đông năm 2024-2025 có những thuận lợi và khóa khăn sau:
1. Thuận lợi
- Vụ Đông tiếp tục được xác định là vụ sản xuất chính trong năm với đặc thù và lợi thế có 3 tháng mùa đông lạnh, sự chuyển tiếp nền nhiệt độ đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại đối với cây trồng vụ Đông, nhất là nhóm rau màu ôn đới; người dân trên địa bàn xã có truyền thống và trình độ thâm canh vụ Đông, giá trị sản xuất đạt cao, nhiều hộ nông dân khá lên nhờ tích cực sản xuất vụ Đông.
- Sản xuất vụ Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảngủy, UBND xã, MTTQ các ngànhđoàn thể; sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân trong xã. Kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất được tích lũy; cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ tiếp tục phát triển đáp ứng cho nhu cầu phục vụ sản xuất.
- Dự báo vụ Đông 2024-2025 có nền nhiện độ cao hơn TBNN từ 0,5-10C do vậy rất thuận lợi cho việc mở rộng diện tích cây màu vụ Đông ưa ấm.
2. Khó khăn
- Giá cả các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý đầu tư của người sản xuất.
- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; Doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm hoặc đầu tư sản xuất vụ Đông còn thiếu; các doanh nghiệp lớn ít quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp do hiệu quả còn thấp, tính rủi ro cao.
- Lao động trong nông thôn ngày càng thiếu do đi làm ăn xa hoặc lao động tại các khu công nghiệp trong khi thời vụ triển khai sản xuất vụ Đông yêu cầu rất khẩn trương, vừa thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa vừa gieo trồng cây vụ Đông trong cùng một thời điểm; nông dân vẫn thiếu kinh phí đầu tư mua giống, phân bón, chi phí thuê máy móc, nhân công.
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại trong sản xuất có thể xảy ra bất kỳ như hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến tâm lý của nông dân trong sản xuất vụ Đông,... Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa bão thường xảy ra vào đầu vụ, nhiều diện tích cây trồng có thể bị ngập úng, thiệt hại, nông dân gặp nhiều khó khăn về vốn để mua giống.
- Sâu bệnh hại vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nặng trên ngô và nhiều loại cây trồng khác, làm giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng chống kịp thời.
Đối với những thuận lợi và khó khăn như vậy UBND xã đã có định hướng, mục tiêu sản xuất vụ đông năm 2024- 2025.
- Phát triển vụ Đông 2024- 2025 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tiếp tục xác định vụ Đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo. Vì vậy, cần xác định rõ đối tượng cơ cấu giống cây trồng vụ Đông có lợi thế đồng thời tập trung mở rộng diện tích cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để tập trung chỉ đạo.
- Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ Đông gồm: ngô, lạc, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó cây ngô, cây rau phải được xem như cây chủ lực trong cả vụ Đông; tăng diện tích sản xuất cây ngô phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất thức ăn xanh cho trâu bò, cây rau phục vụ cho tiêu dùngtrên địa bàn trong và ngoài xã.
- Tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thừa vừa thiếu. Mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, đồng thời gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập đối với người sản xuất rau, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Với mục tiêu
Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông năm 2024- 2025là: 57 ha, sản lượng lương thực (có hạt): 80 tấn, trong đó:
- Ngô đông: Diện tích 20 ha, gồm:
+ Diện tích ngô thương phẩm: 20 ha, năng suất: 40 tạ/ha, sản lượng: 80 tấn.
- Khoai lang: 5 ha, năng suất: 70 tạ/ha, sản lượng: 35 tấn.
- Lạc: 02 ha, năng suất: 18 tạ/ha, sản lượng: 3,6 tấn.
- Rau đậu các loại: 30 ha.
Để đạt được mục tiêu trên cần đưa ra một số biện pháp kỹ thuật sau:
3.1. Giải phóng đất và kỹ thuật làm đất
Trên những diện tích có kế hoạch sản xuất vụ Đông, cần chủ động tiêu nước trước khi thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa để tạo điều kiện giải phóng đất. Thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa đến đâu, tiến hành vệ sinh đồng ruộng (dọn cỏ dại, cắt rơm rạ, nhổ bỏ gốc cây) và giải phóng đất ngay đến đó. Áp dụng nhiều hình thức làm đất khác nhau đối với mỗi loại cây trồng như làm đất ướt đặt bầu ngô, làm đất tối thiểu gieo ngô; làm đất thành luống trồng rau màu các loại. (Đối với diện tích đất bãi do bị bồi đắp phù sa sau mưa lũ, cần khẩn trương khơi thông, tiêu thoát nước nhanh và xử lý vôi bột để đảm bảo gieo trồng cây vụ Đông kịp thời vụ, an toàn).
3.2. Thời vụ và cơ cấu bộ giống các loại cây trồng
Đối với nhóm cây ưa ấm, gieo trồng vụ Đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10/2024; đối với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10/2024, cây khoai tây tập trung trồng từ 20/10/2024 đến 15/11/2024. Cần tính toán và khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng, bố trí rải vụ phù hợp để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Cụ thể thời vụ, bộ giống một số cây trồng chủ lực như sau:
* Cây ngô:
- Trên các chân đất chuyên màu (đất đồi thấp, đất lúa chuyển sang làm màu): Gieo trước 20/9/2024; sử dụng các giống ngô lai đơn chịu mật độ cao như VS36, PSC102, PSC747, DK6919S, DK9955S, NK4300, NK4300 Bt/GT, CP3Q, CP311,
- Trên đất 2 lúa mở rộng diện tích vụ Đông: Gieo trồng trước ngày 10/10/2024: sử dụng các giống ngắn ngày như DK6919, CP333, NK6654, PAC339, VN 5885, VN 146, VN 17, ngô nếp các loại.
* Cây lạc: Kết thúc trồng trước ngày 10/9/2024. Sử dụng các giống lạc năng suất cao như L14, L18, L16, L26, TB25,... Hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp che phủ nilon, rơm rạ để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, giữ ẩm góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
* Cây khoai lang:Trồng càng sớm càng tốt, thời vụ trồng kết thúc trước 15/10/2024; sử dụng các giống KL5, KL209, Hoàng Long, 143, VX-37, KB1, BV1, VC68-2, và các giống khoai lang Nhật, Trung Quốc chất lượng cao,...
* Rau, đậu: Ưu tiên phát triển sản xuất các loại rau cao cấp, sản xuất theo quy trình an toàn để tăng hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa,...
* Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt:Các giống bí xanh như bí xanh số 1, bí xanh Đài Loan, bí đao chanh, ... giống bí đỏ F1-125, F1 979, bí đỏ Nhật Bản, bí đỏ Cô Tiên,... cần áp dụng kỹ thuật làm bầu (bí, dưa chuột), ươm cây con (ớt) và chăm sóc cây con tốt; sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
*Khoai tây:Thời vụ tập trung từ 25/10/2024-20/11/2024, đối với giống khoai tây phục vụ chế biến trên chân đất màu thời vụ tốt nhất 05/11/2024-15/11/2024 để hạn chế nứt củ khi gặp mưa vào cuối vụ (lưu ý nếu trồng muộn gặp thời điểm nhiệt độ quá thấp, thời tiết âm u, mưa phùn làm bệnh hại phát triển, làm ảnh hưởng đến năng suất).
3.3. Phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây màu vụ Đông
Thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính dự báo để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và chủ động trong công tác phòng trừ. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; Trong vụ Đông cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh sau:
- Trên cây ngô:Sâu keo mùa Thu, bệnh huyết dụ, sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ, bệnh khô vằn…
- Trên cây lạc: Bệnh lở cổ rễ, sâu cuốn lá, bệnh đốm lá…
- Trên cây khoai lang:Sâu cuốn lá, sâu đục dây, sùng đục củ, bệnh héo vàng, bệnh héo rũ…
- Cây cà chua, khoai tây: bệnh mốc sương, bọ trĩ, rệp, nhện trắng, nhện đỏ, ruồi đục quả, bệnh héo xanh, bệnh xoăn lá…
- Trên rau họ hoa thập tự: Sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh, rệp, bọ nhảy sọc cong, bệnh sương mai, bệnh thán thư…
- Ớt và một số cây màu khác:Bệnh lở cổ rễ, bệnh thán thư, sâu đục quả, rệp muội…
Ngoài ra trên tất cả các loại cây trồng vụ Đông cần phải phòng trừ chuột gây hại.
4. Triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất
- Tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh và của huyện đang còn hiệu lực thi hành để hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nhất là chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với sản xuất trồng trọt: các thôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác) trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng tranh thủ thời điểm dịch bệnh để trục lợi bất chính; giải quyết nhanh gọn, đúng quy định các thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư và Nhân dân khi có yêu cầu để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Bùi Văn Dinh - CC ĐCNN
Tin khác
- UBMTTQ XÃ PHƯỢNG NGHI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2024 VÀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH THỐNG NHẤT HÀNH ĐỘNG NĂM 2025
- Hội đồng nhân dân xã Phượng Nghi khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 14
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Xã Phượng Nghi triển khai kế hoạch làm thủy lợi mùa khô 2024-2025
- Xã Phượng Nghi tổ chức gặp mặt, chia tay các đồng chí chuyển và nghỉ công tác
- Kết quả hội nghị bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2024-2027
- Công bố ngày bầu cử và thành phần cử tri tham gia hội nghị bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2024-2027
- Hội Cựu chiến binh phát huy hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn chính sách.
- Tăng cường công tác Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
0987714247
0987714247