Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Phượng Nghi - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Bài tuyên truyền về Ý nghĩa, lịch sử ngày TBLS 27/7

Đăng lúc: 00:00:00 20/07/2024 (GMT+7)
100%
Print

Tháng 7 lại về, với những hoạt động cao điểm trên cả nước trong hành trình “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công. Không chỉ là những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa cụ thể, nghĩa tình, đây còn là dịp để mỗi người đang được hưởng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất nhắc nhở nhau nâng cao trách nhiệm giữ gìn hòa bình, phát triển đất nước để không phụ lòng các thế hệ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

z5671224047612_159af500068e19008bbc89fab1524ff7.jpg
Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây chiến đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả cuộc đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn đau của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo để ghi nhớ công ơn của họ.
Chiều ngày 28-5-1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ tịch đã tới dự. Chiều ngày 11-7-1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên). Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc.
Cũng vào Ngày 27-7-1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ tịch. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tháng 7- 1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27-7 ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh Liệt sĩ.
1. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng kiên cường, bất khuất đã đem cả máu xương cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thế kỷ XX, lớp lớp con em ưu tú của dân tộc đã xếp bút nghiên, tạm quên hạnh phúc cá nhân lên đường làm cách mạng, kháng chiến chống quân xâm lược, làm nên những kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, giành độc lập - tự do và xây dựng đất nước. Từ thắng lợi của “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã khiến cộng đồng quốc tế ngả mũ khi giành chiến thắng trước hai đế quốc, thực dân hùng mạnh hàng đầu thế giới, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do trên toàn cầu. Hòa bình chưa lâu, cả nước lại phải bước vào hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc với chiến thắng vang dội không kém, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn anh em.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.
Đây còn là ngày thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ngày 27/7 là ngày phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn.
Vào ngày 27/7, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ diễn ra trên khắp cả nước. Những hành động mang ý nghĩa tôn vinh người có công với cách mạng, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ là vô giá. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và của mọi người, thế hệ hôm nay và mai sau.
Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc. Đồng thời, chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân, của những thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Để viết nên trang sử vàng chói lọi kể trên, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu, tô thắm cho lá cờ chiến thắng của Tổ quốc quang vinh. Hiện cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật.
2. Ghi nhận những đóng góp, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, ngay từ khi lập nước, ngày 16-2-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 20/SL về “Ưu đãi người có công”, sau đó được bổ sung, sửa đổi bằng Sắc lệnh 242/SL ngày 12-10-1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng tử sĩ, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình tử sĩ. Đến ngày 17-7-1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chọn ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” - ngày để quân dân cả nước bày tỏ sự biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các hoạt động tình nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công với cách mạng trong tháng 7 hằng năm. Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước.
Cùng với nhân dân cả nước, trong những năm qua với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội, công tác tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công với Cách mạng của xã Phượng Nghi đạt được nhiều thành tích, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, điển hình như các phong trào: Thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng và gia đình chính sách xã hội trong xã; tổ chức đưa người có công, thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung theo chế độ; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh. Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội như lời Bác Hồ đã từng dạy “Thương binh tàn nhưng không phế “
Hiện nay toàn xã có 48 liệt sỹ. Trong đó hy sinh trong kháng chiến chống pháp là: 1 liệt sỹ, chống Mỹ là 34 liệt sỹ, và hy sinh trong chiến tranh biên giới là 13 liệt sỹ. Số hưởng trợ cấp tuất thân nhân liệt sỹ là 7 đối tượng, Số thờ cúng liệt sỹ là 40 đối tượng. Tổng số thương, bệnh binh, của toàn xã đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 23 đối tượng. Trong những năm gần đây nền kinh tế phát triển nên sự quan tâm hỗ trợ các chính sách đối với người có công được nâng lên một cách xứng đáng, cuộc sống của các gia đình chính sách trong xã đều đảm bảo bằng và trên mức sống bình quân tại địa phương, khi các đối tượng ốm đau đều được thăm hỏi và động viên kịp thời, thực hiện tốt cuộc vận động góp quỹ tình nghĩa.
Trong những năm qua phong trào đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn xã được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. UBND xã xây dựng kế hoạch từ đầu năm phối hợp với mặt trận tổ quốc đã triển khai vận động cán bộ, công nhân viên chức người lao động và nhân dân trong xã đóng góp về tinh thần cũng như vật chất để tri ân các đối tượng chính sách và gia đình có công với cách mạng.
Đảng uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ xã Phượng Nghi mong muốn rằng các gia đình chính sách nổ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống, không ngừng phát triển kinh tế để đảm bảo cuộc sống và dạy dỗ con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình. Học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để đền đáp những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đồng thời làm những phần việc còn lại mà các anh hùng liệt sỹ đang còn dang dở để báo công với các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam nói chung và xã Phượng Nghi nói riêng. Phát huy truyền thống xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2024 bằng sự nổ lực cố gắng của đảng bộ chính quyền, nhân dân các dân tộc xã nhà đã chung tay góp sức hoàn thành 19/19 tiêu chí để xã Phượng Nghi đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Một lần nữa xin được biết ơn sâu sắc với những đóng góp to lớn của các thương binh, bệnh binh, Gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã cống hiến để cho đất nước được hòa bình tự do. 

Nguyễn Thị Lê - CC VHXH 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289