BẠO LỰC GIA ĐÌNH LÀ GÌ? HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?
Đăng lúc: 00:00:00 15/01/2024 (GMT+7)
1.1 Bạo lực gia đình là gì?
Định nghĩa bạo lực gia đình là gì được nêu tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 như sau:
1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Như vậy, không chỉ các hành vi “tác động vật lý” trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình với nhau mà những việc làm gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến tinh thần, tình dục và cả kinh tế của các thành viên khác trong gia đình đều có thể coi là bạo lực gia đình.
Thậm chí, có những hành vi mà trong cuộc sống nhiều người không nghĩ đó là bạo lực gia đình:
- Cha mẹ bắt con cái phải học hành quá sức.
- Cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình thường xuyên chê bai, miệt thị ngoại hình của con cái….
Những hành vi như thế này đều có thể bị coi là bạo lực gia đình.
1.2 Nạn nhân bạo lực gia đình có quyền gì?
Về quyền của nạn nhân bạo lực gia đình, khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định các quyền như sau:
- Được quyền yêu cầu cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cùng quyền, lợi ích hợp pháp có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình.
- Được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
- Được bố trí và yêu cầu giữ bí mật nơi tạm lánh, thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình.
- Được tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình; được trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội và cung cấp các dịch vụ y tế.
- Được yêu cầu người bạo lực gia đình bồi thường các tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, khắc phục hậu quả do hành vi bạo lực gia đình gây ra và bồi thường các thiệt hại về tài sản.
- Được thông tin về quyền, nghĩa vụ liên quan quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.
- Được khiếu nại, khởi kiện hoặc tố cáo các hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình và các quyền khác liên quan.
2. Hành vi bạo lực gia đình gồm những gì?
Các hành vi bạo lực gia đình có thể phân ra thành nhiều loại gồm bạo lực về tinh thần, bạo lực về thể xác và bạo lực về kinh tế, về tình dục. Tựu chung lại gồm các hành vi nêu tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình dưới đây:
Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Có thể thấy, theo quy định của Luật, có 16 biểu hiện của hành vi bạo lực gia đình.
Trong đó, đặc biệt là khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn quy định, những hành vi bị coi là bạo lực gia đình không chỉ áp dụng với thành viên hiện tại trong gia đình có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng mà còn áp dụng giữa các đối tượng:
- Người đã ly hôn.
- Người chung sống như vợ chồng.
- Người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn hoặc của người chung sống như vợ chồng.
- Người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau.
2. Nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình
2.1 Nguyên nhân
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ những lý do sau đây:
- Do tệ nạn xã hội: Khá nhiều lý do dẫn đến bạo lực gia đình về thể chất xảy ra do tệ nạn xã hội. Có thể kể đến do nghiện hút, cờ bạc, rượu chè… dẫn đến mất kiểm soát hành vi và có hành vi bạo lực gia đình như đánh đập, hành hạ, ngược đãi, chì chiết xúc phạm danh dự, nhân phẩm… của thành viên khác trong gia đình.
- Do kinh tế: Khi kinh tế khó khăn, nhiều người trong gia đình sẽ gặp phải áp lực, căng thẳng… và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi gia đình có kinh tế khó khăn, mức thu nhập thấp đều xảy ra hiện tượng bạo lực gia đình.
- Do nhận thức của mỗi người: Hằn sâu trong nhận thức của mỗi người là tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới, coi hành vi bạo lực gia đình là hiển nhiên trong cuộc sống… Chính những suy nghĩ đó đã khiến bạo lực gia đình gia tăng nhất là bạo lực phụ nữ và trẻ em…
2.2 Hậu quả
Bạo lực gia đình để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ về thể xác, tinh thần mà thậm chí còn ảnh hưởng đến giống nói đặc biệt là tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em.
- Với chính nạn nhân bị bạo lực gia đình, có nhiều trường hợp khiến nạn nhân ảnh hưởng sức khỏe thậm chí mất mạng; về tinh thần thì cũng có nhiều trường hợp tinh thần không ổn định kéo theo đó tăng tỷ lệ tự tử vì bị bạo lực gia đình lên cao.
Ngoài ra, người bị bạo lực gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần, luôn hoảng sợ, lo lắng, bất an, trầm cảm và tuyệt vọng.
- Với người có hành vi bạo lực gia đình: Không chỉ nạn nhân mà người gây ra hành vi bạo lực gia đình cũng chịu một số hậu quả như: Phá hỏng mối quan hệ giữa mình và các thành viên khác trong gia đình; sau mỗi hành vi bạo lực có thể sẽ để lại tâm lý ám ảnh, ăn năn, hối lỗi, giày vò…
Đặc biệt, người bạo lực gia đình còn có thể đối mặt với mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Với trẻ em, nếu là nạn nhân hoặc sống trong gia đình thường xuyên xảy ra hành vi bạo lực gia đình, tâm lý và sức khỏe của các em sẽ không ổn định. Khi lớn lên, nhiều đứa trẻ bị ám ảnh thậm chí có những hành vi bạo lực gia đình tương tự như khi đã được chứng kiến khi còn bé.
Đặc biệt, có không ít trường hợp bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc, nghiện ma túy…
3. Cách xử lý bạo lực gia đình
Sau khi nhận rõ bạo lực gia đình là gì, bài viết sẽ trình bày cụ thể các vấn đề khác liên quan đến bạo lực gia đình. Một trong số đó là cách xử lý khi là nạn nhân và khi là người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra. Cụ thể như sau:
3.1 Người bị bạo lực gia đình phải làm gì?
Trước hết, để tự bảo vệ mình, người bị bạo lực gia đình cần tránh để xảy ra xích mích với người thường xuyên có hành vi này. Khi hành vi bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên thì việc đầu tiên mà người bị bạo lực cần làm đó là bằng mọi cách tránh xảy ra xung đột với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Khi đã không thể tránh khỏi, để được yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng… thì người bị bạo lực cần phải liên hệ ngay với các cơ quan có thẩm quyền gồm:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
- Cơ quan công an hoặc đồn biên phòng nơi gần nhất với nơi xảy ra bạo lực gia đình.
-Trường học nếu người bị bạo lực gia đình đang theo học.
- Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác mặt trận nơi xảy ra bạo lực gia đình.
- Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
- Các số điện thoại tổng đài cần nhớ trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, sắp tới sẽ có tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình theo Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
3.2 Người chứng kiến bạo lực gia đình nên làm gì?
Khi chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra, cá nhân phải báo tin, tố giác ngay đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở trên.
Đồng thời, những người này phải tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng (căn cứ khoản 2 ĐIều 12 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).
Ngoài ra, với những thành viên khác trong gia đình, mọi người cần nhắc nhở người thân của mình phải tuân thủ quy định về phòng, chóng bạo lực gia đình.
Đồng thời, cũng cần phải đứng ra hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của các thành viên khác trong gia đình nhằm phòng tránh việc bạo lực gia đình xảy ra; nếu có hành vi bạo lực gia đình thì phải yêu cầu người thực hiện chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật đó.
3.3 Bạo lực gia đình gọi số nào?
Theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, sắp tới sẽ có tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Điều 7 Nghị định 76/2023/NĐ-CP, tổng đài này sẽ dùng số điện thoại ngắn có 03 chữ số để tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình.
Tổng đài này sẽ hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, có ghi âm tự động và miễn phí cho mọi cuộc gọi đến và gọi đi.
Ngoài ra, còn có một số số tổng đài cần nhớ gồm: Tổng đài 111 (bảo vệ trẻ em); tổng đài 112 (yêu cầu trợ giúp, tìm kiếm cứu nạn); tổng đài 113 (tổng đài khẩn cấp về an ninh trật tự); tổng đài 114 (tổng đài cứu hỏa, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp); tổng đài 115 (tổng đài cấp cứu khẩn cấp)…
4. Bạo lực gia đình bị phạt thế nào?
Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc nặng hơn là chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
4.1 Bạo lực gia đình bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Mục 4 từ Điều 52 đến Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt với người có hành vi bạo lực gia đình gồm:
Mức phạt | Hành vi vi phạm với thành viên gia đình. |
05 - 10 triệu đồng | - Đánh đập gây thương tích. - Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. - Cấm ra khỏi nhà, ngăn cản gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý với người đó. - Không cho thực hiện quyền làm việc. - Không cho tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh. - Ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của toà án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. - Từ chối/trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định. - Từ chối/trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định. - Buộc ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ. - Kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình. |
10 - 20 triệu đồng | - Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích. - Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. - Đối xử tồi tệ như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho/hạn chế vệ sinh cá nhân. - Bỏ mặc không chăm sóc người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. - Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. - Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. - Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. - Buộc chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật. - Đe dọa bằng bạo lực để buộc ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ. - Cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình. |
20 - 30 triệu đồng | - Cưỡng ép thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục. - Kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể. - Chiếm đoạt tài sản riêng. - Ép lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại/làm những công việc khác trái luật lao động. - Ép đi ăn xin/lang thang kiếm sống. |
4.2 Bạo lực gia đình có đi tù không?
Nếu tính chất của bạo lực gia đình nghiêm trọng đến mức người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự thì có thể phải đi tù về một trong các tội nêu tại Bộ luật Hình sự gồm:
- Tội hành hạ người khác với mức phạt tù cao nhất là 03 năm (Điều 140).
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với mức phạt tù cao nhất là 05 năm (ĐIều 185).
- Tội bức tử với mức phạt tù cao nhất là 12 năm tù (Điều 130).
5. Bạo lực gia đình có kiện được không?
Theo khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, người bị bạo lực gia đình có quyền khởi kiện hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình.
Do đó, người này hoàn toàn có thể kiện đến Tòa án để yêu cầu người bạo lực bồi thường cho mình về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản (nếu có) đồng thời khắc phục hậu quả do hành vi bạo lực gia đình gây ra.
Cao Quân
Cao Quân
Tin khác
- Quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy
- Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn huyện năm 2025
- Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tại thôn Cộng Thành xã Phượng Nghi.
- Bài tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7”
- BỆNH BẠCH HẦU VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
- Nguyễn nhân và cách phòng tránh tai nạn đuối nước
- Bài tuyên truyền về bình đẳng giới
- Bài tuyên truyền 83 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2024)
- Bệnh sởi nguyên nhân và cách phòng tránh
- Bệnh chân, tay, miệng là gi? Ai có thể mắc
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
0987714247
0987714247