Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Phượng Nghi - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Bạo lực gia đình vấn nạn của xã hội

Đăng lúc: 00:00:00 11/10/2023 (GMT+7)
100%
Print

Hiện nay, bạo lực gia đình đang là vấn nạn của xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Do đó, các cấp, các ngành cần đồng bộ vào cuộc để tìm ra biện pháp giải quyết nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

screenshot_1700097483.png
Theo đó, các hành vi bạo lực gia đình được thể hiện như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Hành vi bạo lực gia đình như đã nêu trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
screenshot_1700097503.png
Đối với xã Phượng Nghi qua theo dõi thực tế mỗi năm có ít nhất từ 2 đến 3 vụ việc vi phạm về bạo lực gia đình bị Công an xã lập hồ sơ xử lý trong đó hành vi bạo lực phổ biến nhất vẫn là người chồng có hành vi đánh đập, hành hạ và chửi bới xúc phạm đối với người vợ. Qua giải quyết các vụ việc vi phạm ở địa phương cho thấy thực tế trong đời sống, bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra nhưng do nhận thức và quan niệm của mỗi người nên họ không xác định đó là bạo lực gia đình mà cho đó là mâu thuẫn gia đình hay mâu thuẫn xã hội xảy ra theo quy luật tự nhiên vậy thôi.
Hơn nữa, bạo lực gia đình thường xảy ra từ tình yêu, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ, tình ông bà với cháu…, vì lý do tình cảm tế nhị nên hầu hết nạn nhân đều chấp nhận, tự dàn xếp hay chịu đựng mà không tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Do đó, bạo lực gia đình cứ âm ỉ mãi trong cuộc sống, hậu quả là làm cho mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn cha, mẹ với con, anh chị em với nhau … ngày càng gay gắt, gây ra cảnh bi đát, đói rách, cực khổ, thất học và gây ra tai tệ nạn xã hội khác làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Muốn phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả cần kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Để góp phần phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nạn nhân bạo lực gia đình cần yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình; Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình; Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nạn nhân bạo lực gia đình phải cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Người có hành vi bạo lực gia đình cần phải tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực.Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Song, cơ quan nhà nước cần phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình, tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam và tác hại của bạo lực gia đình. Đề ra biện pháp, mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cung cấp kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá và các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên canh đó, Nhà nước cần có chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình: Hằng năm, bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức, hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình như đã nêu trên và các hành vi khác như: Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình; Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình; Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật; Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình./ 
Lê Thị Quyên - CT Hội LHPN

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
0987714247