Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Phượng Nghi - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình

Đăng lúc: 08:55:57 16/11/2023 (GMT+7)
100%
Print

Vấn đề bạo lực gia đình đang gây mất trật tự trị an ở nhiều địa phương và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, do đó cần có trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

screenshot_1700097540.png
* Các dạng bạo lực trong gia đình gồm:
- Bạo lực giữa vợ, chồng với nhau: Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình (chiếm 70%)
- Hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng thường biểu hiện ở những lời lẽ chửi bới, những cách ứng xử thô bạo, thậm chí đánh đập chồng, quản lý thời gian và tiền bạc quá chặt chẽ, cấm vận về tình dục với chồng.... gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng.
- Bạo lực giữa cha mẹ và con cái: xuất phát từ cái quan niệm gọi là “Yêu cho roi cho vọt – Ghét cho ngọt cho ngào” cần phải nghiêm khắc với con.
- Bạo lực gia đình từ người con đối với cha mẹ, đây là hành vi bất hiếu, đi ngược lại đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình: anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản, chị em mắng chửi, nói xấu nhau…
screenshot_1700097517.png
1. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình:
- Điều 32 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về trách nhiệm gia đình và các thành viên như sau:
+ Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định củapháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
+ Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.
+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.
+ Thực hiện các biện pháp khác về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này.
Phải khẳng định rằng gia đình và thành viên gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng có thể có hành vi bạo lực gia đình: con mắng cha, vợ chì chiết chồng, mẹ chồng ruồng rẫy con dâu, anh em tranh chấp tài sản dẫn đến đánh nhau.... đồng thời chính họ cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ đề cập dưới một khía cạnh là người chứng kiến bạo lực gia đình. Cùng chung sống dưới một mái nhà, họ là người chịu tác động trực tiếp của hành vi, có khả năng phát hiện nhanh chóng cũng như tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến, mức độ của hành vi bạo lực; họ cũng là người có khả năng thành công trong việc giáo dục, thuyết phục người có hành vi bạo lực thay đổi hành vi bởi hai bên có sự hiểu biết nhau, có mối quan hệ thân thiết nhau...
Tuy nhiên, trên thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp các thành viên khác trong gia đình đã tiếp tay cho hành vi bạo lực như: mẹ xúi con trai giáo dụcvợ bằng nắm đấm; ông bà yêu cầu phải nghiêm khắc dạy dỗ cháu... Những hành động này phần nhiều không xuất phát từ ý xấu mà chỉ do quan niệm khác nhau của mỗi người, nhưng lại tác động rất lớn đến người thực hiện hành vi bạo lực.
Chính vậy pháp luật đã quy định gia đình và các thành viên gia đình phải có những trách nhiệm, phải có sự chủ động nhất định trong phòng, chống bạo lực gia đình: giáo dục, nhắc nhở, hòa giải mâu thuẩn giữa các thành viên, ngăn chặn người có hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân... Đây là những việc họ hoàn toàn có khả năng thực hiện, còn việc có thực hiện hay không, thực hiện như thế nào thì lại phụ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh. Pháp luật không quy định đây là nghĩa vụ mà chỉ là trách nhiệm của gia đình và các thành viên. Tuy nhiên, nếu có những hành vi bị cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật:
* Điều 8. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về Những hành vi bị nghiêm cấm
- Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật này.
- Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
- Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
- Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
- Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.”
Những hành vi cấm này không chỉ áp dụng với các thành viên gia đình mà còn áp dụng cả những cá nhân không phải là thành viên gia đình. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân:
* Điều 31. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về Trách nhiệm của cá nhân
- Thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
- Kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.”
 Những quy định này nhằm nâng cao tính chủ động, tính cực của các cá nhân trong xã hội đối với việc phòng, chống bạo lực gia đình cũng như giúp đỡ nạn nhân.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khácLuật Phòng, chống bạo lực gia đình đã nêu lên trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có thể kể tới trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cụ thể:
* Điều 33. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
- Tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình,hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâmvà các tệ nạn xã hội khác.
- Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình,hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâmvà các tệ nạn xã hội khác; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.”
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Một thành viên của Mặt trận Tổ quốc cũng được giao một số trách nhiệm, như:
* Điều 34. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
-  Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 33 của Luật này.
- Tổ chức cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Tổ chức các hoạt động dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình”.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. 
Lê Thị Quyên - CT Hội LHPN

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
0987714247