Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Phượng Nghi - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

Lễ hội Cơm mới của người dân tộc Mường thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi

Đăng lúc: 15:35:47 19/02/2024 (GMT+7)
100%
Print

Sáng 16/2/2024 (là ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi tổ chức Lễ hội Cơm mới năm 2024. Về dự có lãnh đạo phòng Văn hóa Thông tin; Trung tâm Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các tổ chức đoàn thể xã; Bí thư Chi bộ, Trưởng các thôn trong xã, các cơ quan đơn vị trên địa bàn, cùng đông đảo bà con nhân dân thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi.

1.jpg
2.jpg
3.jpg
4.jpg
Lễ hội Cơm mới là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh, mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng, tộc người sống trên một địa bàn. Đây là lễ nghi, là nhu cầu tâm linh của người dân trong làng trước vòng quay của mùa vụ, ơn thần linh và ông bà, tổ tiên đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu, cầu mong mùa tới lại tiếp tục được mùa.
Lễ hội mang tính chất gia đình nhưng có sự tham dự của họ hàng, đại diện các gia đình trong làng cùng nhau vui vẻ sau một năm lao động vất vả.
Lễ hội Cơm mới của người dân tộc Mường thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi thường được tổ chức vào một ngày nhất định trong năm. Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài và do khí hậu nên lúa nương được trồng muộn khoảng tháng 5 đến tháng 6, thường gặt vào tháng 10 âm lịch, nên Lễ hội Cơm mới thường được tổ chức vào tháng 10. Hiện nay, giống lúa mới ngắn ngày hơn và do thời tiết thay đổi, nên lúa được trồng sớm, khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 là phải trồng xong (theo người dân nơi đây, nếu trồng muộn hơn thường mất mùa, không được ăn) nên lúa gặt sớm hơn, cuối tháng 8 đầu tháng 9 là lúa đã chín. Vì vậy, Lễ mừng Cơm mới cũng theo đó mà được tổ chức sớm hơn. Tùy theo từng gia đình để chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp với gia đình mình, chọn ngày đẹp, không tổ chức vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Lễ hội Cơm mới nhằm cảm ơn thần linh và ông bà tổ tiên, những người được con cháu "nhờ trông nom" nương  rẫy, giờ đây mùa màng tươi tốt, lúa đã chín, đã đến lúc thu hoạch. Con cháu gặt lúa làm mâm cơm mới, cùng với chút lễ vật mời ông bà, tổ tiên về hưởng lộc, ăn cơm mới.
5.jpg
6.jpg
Lễ hội Cơm mới của người dân tộc Mường thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi là mừng cho một năm được mùa, cầu mong sang năm ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho được mùa bội thu. Ngày nay, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, giáo dục con cháu đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, nên lễ hội cơm mới được đưa ra tổ chức ở quy mô cộng đồng khu dân cư và tổ chức vào đầu xuân, vì đây cũng là thời điểm con cháu đi làm ăn xa trở về sum họp, quây quần bên gia đình, làng xóm mỗi dịp tết đến xuân về.
7.jpg
Mở đầu Lễ hội mừng cơm mới là nghi thức đi rước vía lúa và nghi thức cúng cơm mới thành hoàng của bản Mường. Thầy cúng thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, các thần linh, ông bà tổ tiên, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Thầy mo là người chủ trì lễ cúng cơm mới, tham gia Lễ cúng cơm mới có các vị khách quý của huyện, của xã, các già làng, người có uy tín, cùng đông đảo bà con nhân dân trong thôn. Trong khuôn khổ của Lễ hội, tại nhà Văn hoá của thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian đặc sắc, như: nhảy sạp, đánh mảng, tung còn. Lễ hội Cơm mới thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi năm 2024 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng các dân tộc của người dân nơi đây, góp phần gìn giữ các phong tục, nét đẹp, bản sắc của đồng bào dân tộc Mường, được cộng đồng các dân tộc trong toàn xã hưởng ứng.
8.jpg
9.jpg
Tại buổi lễ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện và lãnh đạo xã Phượng Nghi đã trao quà và hoa chúc mừng thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi nhân dịp Lễ  hội Cơm mới năm 2024; chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể bà con nhân dân trong thôn, mong bà con tích cực thi đua lao động, sản xuất để có những mùa vàng bội thu, đồng thời gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của Lễ hội Cơm mới nói riêng và những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mường nói chung, góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. 
Cao Quân Theo Như Hoa TTVH Như Thanh

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289